Trong bối cảnh số ca mắc bệnh sởi gia tăng đáng kể từ đầu
năm 2025, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến vào chiều ngày 15/3/2025 nhằm
triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Hội nghị do Bộ trưởng
Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành
Trung ương, các đơn vị y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại
điểm cầu tỉnh Nam Định, đồng chí Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ
trì tại điểm cầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ
trì hội nghị
Theo
báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000
trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 3.447 ca dương tính với sởi tại 61
tỉnh, thành phố và 5 ca tử vong. WHO cũng đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch
sởi trên toàn cầu do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh giảm xuống dưới 80%. Dịch
sởi trong 5 năm qua đã bùng phát tại 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do gián
đoạn trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tâm lý e ngại tiêm chủng sau đại
dịch COVID-19.
Cục
Phòng bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cho
biết, bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh chóng, với một người mắc bệnh có thể
lây nhiễm cho 12-18 người khác. Đặc biệt, trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ điều
kiện tiêm chủng là nhóm có nguy cơ cao nhất. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến
chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy cấp, loét giác mạc mắt,
thậm chí viêm não có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh
dưỡng.
TS.
Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho biết, phần lớn các ca
mắc sởi là những người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin sởi
trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ông nhấn mạnh rằng, nếu không có biện pháp
can thiệp kịp thời, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo nguy cơ bùng phát
dịch trên diện rộng.
Tại
hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường
giám sát, phát hiện sớm và cách ly các ca bệnh để tránh dịch bệnh lây lan rộng.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm
khuẩn, hướng dẫn cộng đồng về các biện pháp phòng chống bệnh sởi.
Cục
Quản lý Khám, chữa bệnh đã ban hành Công văn số 142/KCB-NV ngày 07/02/2025 chỉ
đạo các cơ sở y tế phối hợp với cơ sở tiêm chủng để khám sàng lọc trước tiêm và
sẵn sàng ứng phó với các phản ứng sau tiêm. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tổ chức các
đợt tập huấn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi trên toàn quốc. Cục
cũng yêu cầu các bệnh viện từ trung ương đến địa phương theo dõi sát sao tình
hình dịch bệnh, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, đồng thời đẩy
mạnh báo cáo dịch bệnh kịp thời.
Bệnh
viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sởi từ đầu năm 2025, trong
đó trên 50% số ca chưa từng được tiêm chủng. Theo thống kê, khu vực miền Nam
ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất (57%), tiếp theo là miền Trung (19,2%), miền
Bắc (15,1%) và Tây Nguyên (8,7%). Trong số các ca mắc, nhóm trẻ từ 9 tháng đến
dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 72,7%, tiếp theo là trẻ dưới 9 tháng tuổi
với 15,3%. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường tiêm chủng đầy đủ
và đúng lịch.
Bộ
trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch
bệnh, đảm bảo đủ trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt tại các khu vực có nguy
cơ cao. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với ngành
giáo dục để giám sát và tổ chức tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi đi học, đảm
bảo đạt chỉ tiêu tiêm chủng đề ra.
Tại Hội nghị, Bộ
trưởng Đào Hồng Lan đề xuất thực hiện kế hoạch giám sát tiền sử tiêm chủng của
trẻ em từ tiểu học trở xuống, tiêm bổ sung trong quý I và II năm 2025 để đảm
bảo miễn dịch cộng đồng. Các địa phương được yêu cầu thực hiện rà soát nhóm trẻ
sinh năm 2023 do đã bị gián đoạn trong chương trình tiêm chủng để đảm bảo trẻ
được tiêm đủ mũi.
Bộ
Y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức
của người dân về tiêm chủng phòng bệnh. Các đơn vị y tế sẽ phối hợp với chính
quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể để thực hiện các chiến dịch truyền
thông, cung cấp thông tin chính xác về vắc xin, giúp người dân hiểu rõ lợi ích
của việc tiêm chủng và giảm bớt tâm lý lo ngại.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ cập nhật phác đồ điều trị, triển khai
các giải pháp phòng chống bệnh sởi trong giai đoạn 2024-2025, đồng thời tăng
cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Cơ quan chức
năng sẽ theo dõi, đánh giá các yếu tố tác động như biến đổi khí hậu, ô nhiễm
môi trường, và tình trạng di cư, ảnh hưởng đến sự lây lan của bệnh sởi.
Điểm cầu tại Sở Y tế Nam Định
Hội
nghị đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành y tế trong công tác phòng, chống
dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi. Trong
thời gian tới, ngành y tế cả nước nói chung và y tế Nam Định nói riêng sẽ tiếp
tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và có những điều chỉnh kịp thời nhằm
bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Gia
Huy