Test HIV bằng dịch miệng (dịch tiết niêm mạc miệng) có chính xác không?
Nhiễm HIV là vấn đề quan trọng
liên quan đến tình hình sức khỏe toàn cầu, chính vì thế việc xét nghiệm và chẩn
đoán nhiễm HIV sớm là việc làm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh,
phòng lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng. Hiện nay có nhiều phương pháp
xét nghiệm HIV, trong đó phương pháp xét nghiệm HIV bằng dịch miệng (dịch tiết
niêm mạc miệng) là phương pháp mới được nhiều người quan tâm. Test HIV bằng dịch miệng là một phương
pháp xét nghiệm nhanh, thực hiện đơn giản, tiện lợi và an toàn, có khả năng thực
hiện ngay tại nhà mà không phải đến cơ sở y tế, những người có nguy cơ cao có
thể phát hiện sàng lọc HIV bằng cách tự test xét nghiệm qua dịch miệng. Thông
qua ứng dụng trực tuyến, kit xét nghiệm nhanh HIV bằng dịch miệng được cấp hoàn
toàn miễn phí, bảo mật cá nhân.
Cá nhân có thể tự đánh giá nguy cơ nhiễm HIV
Việc tự xét nghiệm HIV thông qua
kit test xét nghiệm HIV bằng dịch miệng, qua ứng dụng trực tuyến, đã được Tổ chức
Y tế thế giới phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) triển khai. Cá
nhân có thể tự đánh giá nguy cơ nhiễm HIV tại trang web: tuxetnghiem.vn và đăng
ký trực tuyến để nhận test xét nghiệm miễn phí.
Trước thắc mắc “ HIV không lây
qua nụ hôn, vậy vì sao xét nghiệm dịch miệng giúp phát hiện HIV”. Khi nhiễm
HIV, cơ thể sẽ sinh kháng thể, kháng thể này có trong máu và trong các dịch tiết
của cơ thể trong đó có dịch miệng. Kit tự xét nghiệm này có khả năng phát hiện
kháng thể kháng HIV (không phải virus HIV) trong dịch miệng.
Vậy test HIV bằng dịch miệng có chính xác không?
Bộ kit tự xét nghiệm HIV sử dụng
dịch miệng đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định với độ nhạy là 99,1% và
độ đặc hiệu là 100%. Với độ nhạy rất cao, các trường hợp xét nghiệm có phản ứng
sẽ không bị bỏ sót. Các trường hợp có phản ứng sẽ được chỉ định xét nghiệm máu
để khẳng định lại có bị nhiễm HIV hay không. Bộ kit có hướng dẫn bằng hình ảnh
kèm theo. Nếu thực hiện đúng và chính xác theo hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ có
kết quả chính xác.
Người có nguy cơ cao nhiễm HIV,
nên xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần. Khách hàng có thể đăng ký nhận kit tự
xét nghiệm ba tháng một lần, nếu có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Không nên test nhanh khi đã được khẳng định nhiễm HIV
Không nên tự xét nghiệm nếu đã biết
mình bị nhiễm HIV. Với trường hợp đã nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV, nên được
giới thiệu tới các cơ sở điều trị ARV để được tư vấn điều trị sớm làm
giảm sự nhân lên của virus HIV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác như
vợ, chồng, bạn bè, con cái, từ đó sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Nếu đã điều trị ARV thời
gian dài, tải lượng virus đã về ngưỡng khó phát hiện thì tự xét nghiệm
có thể có kết quả âm tính giả.
Nguyễn
Thùy