Kết quả triển khai Chương trình Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) quốc gia
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm
(PrEP) là sử dụng thuốc kháng vi rút ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho những
người có nguy cơ nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế
giới đã khuyến cáo mạnh mẽ PrEP là một lựa chọn dự phòng bổ sung quan trọng, là
một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao
nhiễm HIV. Hiện nay, PrEP được xác định là can thiệp ưu tiên để hướng tới kết
thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Chương
trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được triển khai thí điểm tại 2
thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3 năm 2017, đến năm 2020,
chương trình điều trị PrEP bắt đầu được mở rộng triển khai tại 27 tỉnh/thành phố
trên cả nước với sự hỗ trợ của Quỹ cứu trợ AIDS khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ
(PEPFAR) và Dự án Quỹ toàn cầu. Hiện nay, chương trình điều trị PrEP được triển
khai tại 31 tỉnh/thành phố với 221 cơ sở điều trị bao gồm cả cơ sở điều trị
công lập và ngoài công lập.
Để
tăng cường quảng bá về chương trình điều trị PrEP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh/thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở
điều trị PrEP và các tổ chức dựa vào cộng đồng để triển khai các hoạt động truyền
thông tạo cầu. Bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình, báo
giấy, tờ rơi, pano, áp phích,… chương trình điều trị PrEP đã được quảng bá rộng
rãi trên các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo), các app hẹn hò của cộng đồng
người đồng tính/song tính/chuyển giới (Blued, Grindr, Jackd, Hornet) và các ứng
dụng khác (Youtube, Tiktok, Tinder, MTV…). Các sự kiện, buổi truyền thông nhóm
lớn, nhỏ về PrEP đã được tổ chức cho các nhóm nguy cơ cao, cho học sinh, sinh
viên và công nhân các khu công nghiệp trên toàn quốc. Nhiều chiến dịch truyền
thông với sự tham gia của những người nổi tiếng như Yêu thì khó – Phòng ngừa
HIV có ngại gì, PrEP4U, PrEP-Uni hay Alo PrEP…đã giúp quảng bá chương trình điều
trị PrEP tới gần hơn với cộng đồng đích.
 quốc gia.jpg)
Sự kiện truyền thông PrEP For
School được tổ chức tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định,
tháng 9 năm 2023
Không chỉ điều trị
PrEP tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, một số mô hình, sáng kiến mới về
cung cấp dịch vụ điều trị PrEP đã được áp dụng rộng rãi tại các tỉnh/thành phố
trên cả nước như PrEP lưu động, PrEP từ xa (TelePrEP), Phòng khám cung cấp dịch
vụ toàn diện (OSS).
Tại
Hội thảo sơ kết giữa kỳ kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
giai đoạn 2021-2025 diễn ra tại thành phố Ninh Bình ngày 27/8/2024, Tiến sỹ Đỗ
Thị Nhàn – Trưởng phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết
tính từ năm 2017 đến hết quý 2/2024, toàn quốc có 112.150 khách hàng nguy cơ đã
được điều trị PrEP. Năm 2023, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là
nước dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP. Trong số
khách hàng điều trị PrEP từ năm 2021 đến 2024, khách hàng nam quan hệ tình dục
đồng giới, chuyển giới chiếm tới 81,7%, tiếp đến là các nhóm bạn tình/bạn chích
(9,7%), người bán dâm (3,9%). Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị trên 3 tháng
năm 2023 toàn quốc đạt 77,7%.
Mặc
dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng để tăng cường hiệu quả của chương trình
điều trị PrEP góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam còn phải
đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới: Kích thước quần
thể nguy cơ, đặc biệt là quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng
cao dẫn đến nhu cầu điều trị tăng trong khi nguồn viện trợ quốc tế cho PrEP
đang ngày một giảm dần; Việc tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho nhóm trẻ vị thành
niên gặp khá nhiều khó khăn do các bạn ngại bộc lộ nguy cơ của bản thân với
cha/mẹ/người giám hộ; Số lượng khách hàng bỏ trị còn cao là một thách thức với
ngành y tế trong việc duy trì hiệu quả dự phòng HIV của PrEP.
Trong
giai đoạn tới, Bộ Y tế định hướng sẽ tiếp tục mở rộng triển khai chương trình
điều trị PrEP: Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông tạo cầu, phối hợp với Bộ
Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên…để đưa điều trị PrEP tiếp cận gần hơn với các
nhóm nguy cơ cao bao gồm cả nhóm dưới 18 tuổi; Đa dạng các mô hình cung cấp dịch
vụ PrEP, đặc biệt huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong cung cấp dịch vụ;
Thực hiện các giải pháp bền vững đối với PrEP khi các đối tác và dự án cắt giảm
viện trợ, từng bước thực hiện xã hội hóa và các giải pháp đảm bảo sự bền vững
cho chương trình.
Nhật Linh